Dự án “ma” đã không còn quá xa lạ đối với các nhà đầu tư BĐS nhưng nó vẫn luôn tồn tại và không khác gì một “chiếc vòng kim cô” đối với các nhà đầu tư. Nhiều người đã vô tình sa lầy vào các dự án này để rồi tiền mất tật mang.
“Dự án ma” là gì?
Dự án ma là những dự án không có thật, không có đủ hồ sơ pháp lý. Nó được doanh nghiệp tự “vẽ” ra bằng nhiều cách để có thể thu lợi bất chính.
Dự án ma có thể là những dự án nằm trên giấy mà không có thực hoặc là một dự án đã có những cơ sở hạ tầng cơ bản nhằm tạo dựng niềm tin cho người đầu tư nhưng thực chất dự án lại không hề có các giấy tờ pháp lý liên quan.
Cách hạn chế rủi ro từ các “dự án ma”
Để không sa lầy vào các dự án ma thì các nhà đầu tư cần phải lưu ý đến thông tin của dự án đặc biệt là thông tin về mặt pháp lý của dự án.
- Tìm hiểu kĩ về chủ đầu tư
Đầu tiên, nhà đầu tư cần phải tìm hiểu và biết rõ về chủ đầu tư của dự án. Tốt nhất các nhà đầu tư nên lựa chọn những nhà đầu tư có tiếng và có uy tín trên thị trường. Đồng thời, chủ đầu tư cũng cần phải minh bạch các thông tin pháp lý của các dự án bất động sản như: quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư; Quyết định phê duyệt quy hoạch 1/500; Quyết định giao đất; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho toàn bộ dự án; Giấy phép xây dựng, biên bản nghiệm thu xong phần móng (đối với căn hộ chung cư); Văn bản thông báo đủ điều kiện được bán nhà ở hình thành trong tương lai (đối với căn hộ chung cư); Thông báo bảo lãnh ngân hàng cho từng căn hộ; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho từng căn hộ hoặc lô đất,… điều này sẽ giúp các nhà đầu tư có thể kiểm tra tính minh bạch của dự án. Các dự án “ma” thường sẽ không có đầy đủ các thủ tục pháp lý.
- Kiểm tra tiến độ của dự án
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng phải nắm rõ tiến độ của dự án và các thông tin liên quan của dự án. Theo luật, chủ đầu tư phải minh bạch các vấn đề này tại các cổng thông tin và văn phòng giao dịch của dự án. Việc nắm bắt được chính xác thực trạng và thông tin cần thiết của dự án sẽ giúp cho các nhà đầu tư tránh các hiện tượng “treo đầu dê bán thịt chó” của chủ đầu tư.
- Có đơn vị bảo lãnh uy tín
Tìm hiểu và lựa chọn dự án có các ngân hàng bảo lãnh uy tín. Theo quy định tại Điều 56 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 thì chủ đầu tư dự án bất động sản trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng. Đồng thời, chủ đầu tư còn có trách nhiệm gửi bản sao hợp đồng bảo lãnh cho bên mua, bên thuê mua khi ký kết hợp đồng mua, thuê mua. Do vậy để đảm bảo quyền lợi của bản thân, người mua hãy chắc rằng dự án có một ngân hàng bảo lãnh minh bạch và uy tín. Việc này không chỉ chứng minh độ tin cậy của dự án mà đây cũng chính là một “bảo hiểm” cho người mua khi xảy ra những rủi ro.
- Hiểu rõ tính pháp lý của hợp đồng
Trước khi đặt bút kí vào một bản hợp đồng thì bạn hãy chú ý và hiểu rõ về bản hợp đồng. Các chủ đầu tư dự án “ma” thường sẽ sử dụng những bản hợp đồng không có giá trị về mặt pháp lý dẫn đến việc tiền mất mà đất thì không có. Đã có rất nhiều vụ lừa đảo sử dụng chiêu bài này mà tiêu biểu là vụ việc Angel Lina vào năm 2017.
- Giữ bình tĩnh và suy xét kĩ vấn đề
Cuối cùng là các nhà đầu tư hãy giữ cho mình một cái đầu lạnh trước những chiêu bài của các bên lừa đảo. Chúng đưa ra những ưu đãi đầy hấp dẫn như giá rẻ nhất thị trường, lãi nhanh và khủng, tặng xe,… kèm theo đó là các tác động hiệu ứng đám đông sẽ khiến bạn mất đi sự bình tĩnh cần thiết.
Đó là 5 cách giúp cho những nhà đầu tư có thể hạn chế rủi ro bởi các dự án “ma”. Đừng để sa lầy vào rồi không thể cắt lỗ chứ chưa nói đến việc thu hồi lại vốn.
Nguyễn Thế Tá