Tình trạng sốt đất lại sôi động trở lại trong thời gian gần đây đã gây ra không ít những nhức nhối không chỉ với riêng ngành bất động sản mà là toàn xã hội. Vấn đề này không mới nhưng vẫn là một cách hữu hiệu của những kẻ bất lương. Hãy tìm hiểu thử xem chúng đã làm như thế nào.
“Chim mồi” – trò cũ nhưng không lỗi thời
Thật vậy, “chim mồi” là một món bài cũ nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn tỏ ra là một món đánh rất hiệu quả của những tay lừa đảo. Chúng thường cài cắm những “cò mồi” vào các buổi giao dịch nhằm tăng quy mô cũng như sự quan tâm tới dự án. “Cò” luôn hưởng ứng rất nhiệt tình và xuống tiền một cách rất nhanh chóng và mạnh tay gây ra hoang mang cho các nhà đầu tư. Họ thấy cảnh chốt sổ liên tục và giá thì tăng theo ngày như vậy thì làm sao có thể ngồi yên. Các F0 vội vã đầu tư mà không tìm hiểu kĩ để rồi thành nạn nhân của những cơn sốt đất.
“Dự án ma” – một tuyệt chiêu thổi giá.
Sự “nở rộ” của các “dự án ma” cũng góp phần làm nóng thêm cho cơn “sốt ảo” hiện nay. Nhiều kẻ lừa đảo đã thu mua những vùng đất nông nghiệp rồi sau đó vẽ lên một dự án trong mơ cho các nhà đầu tư. Mắt thấy tai nghe nhưng chưa chắc đã là thật. Dự án không được phê duyệt, không có giá trị pháp lý hay chỉ có trên những bản vẽ cũng được chào bán, kèm theo đáy là những tin đồn thổi gây sốt xã hội. Chẳng mấy chốc mà bãi đất trống lại có một giá trị cao ngất ngưởng. Thấy lợi trước mắt mà không suy xét kĩ, các nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm và kiến thức dễ dàng sập vào cái bẫy kẻ gian đã bày sẵn.
Hậu quả của những cơn sốt đất
Cơn sốt nào rồi cũng đến lúc phải hạ nhiệt và sốt đất hạ nhiệt thì cũng là lúc nhà đầu tư nhận thấy hậu quả của nó. Hậu quả rõ ràng nhất là tiền mất tật mang. Các nhà đầu tư bỏ một số tiền khổng lồ cho những lô đất rồi đến khi “cò” bay đi thì họ mất trắng chứ chưa nói đến việc bán lại để cắt lỗ.
Ta vẫn còn nhớ clip dựng rạp tạo sốt đất ảo gần đây lan truyền rộng rãi trên mạng. Theo điều tra thì đa số là cò mồi và thực sự đây còn là đất nông nghiệp chưa được phê duyệt (“dự án ma”). Chỉ cần những nhà đầu tư nhẹ dạ xuống tiền sẽ rơi vào cảnh tiền mất tật mang. Xa hơn, ta vẫn còn nhớ vụ việc Alibaba, Angel Lina,… cùng chiêu trò tung tin đồn sốt đất khiến hơn 3000 khách hàng sập bẫy.
Đối với ngành bất động sản thì những cơn sốt này thực sự là một căn bệnh rất nguy hiểm khi mà nó đã làm giảm niềm tin của mọi người đối với bất động sản nghiêm trọng. Dễ nhận thấy nhất là số lượng những giao dịch BĐS đã giảm nghiêm trọng.
Làm sao để không bị đánh lừa bởi những cơn sốt đất?
Phần lớn các nhà đầu tư bị sập bẫy là do thiếu kiến thức và kinh nghiệm về bất động sản. Đây cũng chính là lỗ hổng lớn để kẻ gian khai thác. Do đó, để đầu tư một cách thông minh thì cách tốt nhất là các nhà đầu tư cần trang bị đầy đủ những kiến thức cho mình có thể qua internet hoặc các khóa học về đầu tư bất động sản. Có kiến thức bạn sẽ có sự bình tĩnh để suy xét vấn đề và tránh được những rủi ro.
Bên cạnh đó, tâm lý muốn đu đỉnh “lướt sóng” của các nhà đầu tư khiến cho họ dễ dàng bị các cò mồi lôi kéo vào các dự án ma. Các nhà đầu tư cần bình tĩnh và học cách kiềm chế cảm xúc của mình tránh mắc vào bẫy FOMO của những kẻ lừa đảo.
“Sốt đất ảo” như là một căn bệnh khó nhằn gây ra nhiều hệ lụy khó lường. Nó không chỉ gây ra hậu quả trực tiếp cho những người mắc phải mà còn gây mất niềm tin của mọi người về ngành bất động sản mà dễ thấy nhất là số lượng giao dịch giảm.
Xem thêm: 5 cách giúp bạn không chôn vốn bạc tỷ vào các “dự án ma”