Trong khoảng vài năm gần đây, các sản phẩm Bất động sản được phát triển nhiều ở Việt Nam, bên cạnh những ưu điểm vượt trội của nó thì những sản phẩm này cũng gây ra những ảnh hưởng và biến đổi bất lợi về môi trường, có nguy cơ phá vỡ sự cân bằng sinh thái.
Thị trường Công trình Xanh Việt Nam trong 2021
Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, các công trình xây dựng tiêu thụ đến 36% năng lượng và phát thải ra 39% tổng lượng khí thải CO2. Dù vậy, các chuyên gia cho rằng, nếu chỉ đầu tư xây dựng khoảng 3-5% để làm công trình xanh, chi phí vận hành có thể giảm được từ 14-36% từ đó giảm lượng năng lượng tiêu thụ dẫn đến giảm phát thải khí nhà kính.
Như vậy, việc thiết kế và phát triển các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả sẽ là chìa khóa then chốt để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Các thiết kế xây dựng kết hợp cùng việc sử dụng tài nguyên (năng lượng, nước) hiệu quả sẽ làm giảm thiểu tối đa lượng tài nguyên sử dụng trong công trình, giảm thiểu hoá đơn điện, nước trong suốt vòng đời công trình.
Theo báo cáo của Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC, tính đến quý 4/2021, tại thị trường Việt Nam mới có 208 dự án bất động sản được công nhận chứng chỉ xanh bao gồm hệ thống tiêu chuẩn quốc tế về kiến trúc xanh (LEED) cấp bởi Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ (USGBC), Chứng chỉ công nhận công trình xanh (EDGE) cấp bởi tổ chức IFC và Lotus cấp bởi Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC).
Hội nghị COP26 diễn ra tại Glasgow (Vương quốc Anh) cũng khẳng định mục tiêu của 197 quốc gia về việc hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C theo Hiệp định Paris. Cam kết này đồng nghĩa với mức giảm 45% lượng phát thải CO2 vào năm 2030 so với mức năm 2010 và đến năm 2050, những quốc gia tham gia Hiệp định cần đưa con số phát thải ròng về 0. Do đó, hiện rất nhiều quốc gia đang phát triển các chính sách hướng tới mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn và bền vững.
Công ty Savills dự báo thập kỷ tới sẽ khó khăn hơn cho nhà phát triển khi phải quyết định giữa việc phá dỡ và xây mới bất động sản để có thể thực hiện đúng cam kết tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) hoặc phù hợp với quy định mới.
Tại buổi hội thảo trực tuyến tháng 1/2022 vừa qua, về chiến lược phát triển bất động sản xanh ở Việt Nam, ông Trịnh Tùng Bách , đã chia sẻ: Việc phát triển bất động sản bền vững có thể mang đến những thách thức nhất định, nhưng cũng là cơ hội tốt cho việc gia tăng lợi nhuận đầu tư thị trường bất động sản. Cân bằng chi phí đầu tư và cách thức đo lường năng lượng tiêu thụ sẽ là hai vấn đề các nhà đầu tư quan tâm. Một số khác không có nhu cầu đầu tư mới hoặc cải tạo bất động sản sẽ tập trung vào việc mua lại những dự án đã đạt được một số tiêu chuẩn bền vững nhất định.
Chi phí có là rào cản cho Công trình Xanh tại Việt Nam?
Dù các dự án Xanh – bền vững, tiết kiệm tài nguyên quan trọng như vậy, nhưng phần lớn các chủ đầu tư khi nhìn vào công trình Xanh chỉ tính toán chi phí đầu tư ban đầu, mà không nghĩ đến ích lợi lâu dài. Bởi thường khi bán một công trình Xanh, chi phí ban đầu đầu tư vào công trình là Chủ đầu tư phải bỏ ra, trong khi đó, lợi ích về vận hành (giảm tiêu thụ tài nguyên hay cải thiện sức khoẻ, đời sống) thì thuộc về người sử dụng.
Dự án LEED hạng Bạch Kim
Theo ông Trịnh Tùng Bách, PTGĐ Sen Vàng Group, Sáng lập GBS Việt Nam, các nghiên cứu và bài học thực tế tại Việt Nam đều cho thấy chỉ cần tăng 1-3% vào đầu tư ban đầu (thậm chí nếu tiếp cận đúng cách, CTX còn không làm đội chi phí đầu tư) thì năng lượng và nước tiết kiệm được trong quá trình sử dụng của một công trình có thể lên tới 20-40% và chỉ mất 1-2 năm để “thu hồi vốn” và người sử dụng cũng như xã hội nói chung sẽ được lợi ích lâu dài trong cả vòng đời 50-100 năm của công trình.
Như vậy, cần phải có một sự hiểu biết tương đồng cho tất cả các bên rằng công trình xanh không chỉ đem lại các lợi ích về tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, mà còn đem đến lợi ích cho các nhóm khách hàng khác nhau trong công trình từ chủ đầu tư, người sở hữu đến người sử dụng công trình.
Tại Việt Nam, xu hướng bất động sản xanh đang tiếp tục được thúc đẩy nhờ chính sách của Chính phủ và nguồn cung thị trường. Quy định của Bộ Tài chính năm 2020 yêu cầu các doanh nghiệp công bố đánh giá tác động ESG trong báo cáo thường niên./.