Năm 2021 vừa qua là một năm đầy khó khăn với nền kinh tế Việt Nam nói chung và lĩnh vực bất động sản nói riêng bởi dòng tiền của người dân bị hạn chế. Tuy nhiên, Bất chấp tình hình dịch bệnh, 6 tháng đầu 2021 vẫn có sự tăng trưởng ấn tượng.
Bối cảnh chung thế giới
Chia sẻ trong Hội thảo trực tuyến “Bất động sản công nghiệp – Tiềm năng và thách thức” do Sen Vàng Group phối hợp với các đơn vị tổ chức thực hiện, ông Phạm Văn Nam – Founder Cổng thông tin Khu công nghiệp Việt Nam cho biết “Tình hình thế giới đang có nhiều biến chuyển thuận lợi cho bất động sản công nghiệp của Việt Nam lên ngôi”.
Ông Nam đặc biệt nhấn mạnh vào sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu: “Một trong những sự dịch chuyển lớn nhất trên thế giới hiện tại là việc các nhà đầu tư rời khỏi thị trường Trung Quốc do bản thân quốc gia không tiếp tục đầu tư, hơn nữa là thị trường lao động tại đây không còn quá hấp dẫn. Các nhà đầu tư không thể mở rộng đầu tư tại thị trường Trung Quốc, bắt buộc phải di dời sang các quốc gia lân cận để tiếp tục duy trì và kết nối với mạng lưới sản xuất hiện có và kinh doanh tại thị trường này. Hai trong số các quốc gia có lợi thế nhất trong bối cảnh này là Thái Lan và Việt Nam. Việc ở bên cạnh một quốc gia được mệnh danh là công xưởng thế giới là cơ hội để Việt Nam đón nhận các cơ hội đầu tư dịch chuyển, đồng thời cũng tiềm ẩn nguy cơ phải tiếp nhận các ngành công nghiệp ô nhiễm và có thể gây nguy hại lâu dài với nền sản xuất công nghiệp tại Việt Nam.”
Tổng quan chung về hoạt động sản xuất công nghiệp 2021
Theo Thống kê của trang Trading Economic, sản xuất công nghiệp của Việt Nam đã tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 11 năm 2021, thành công xoay ngược tình thế từ mức giảm 1,8% vào tháng 10 trước đó. Đây là mức tăng sản lượng công nghiệp đầu tiên kể từ tháng 6, khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch coronavirus và lo ngại về gián đoạn nguồn cung toàn cầu giảm bớt.
Sản lượng tăng trở lại đối với tất cả các ngành: sản xuất (6,4% so với -0,8% trong tháng 10), khai khoáng (2,2% so với -8,2%), cung cấp nước và xử lý chất thải (1,5% so với -1,9%), và cung cấp điện, khí đốt (1,2 phần trăm so với -0,5 phần trăm). Tính chung 11 tháng đầu năm, sản lượng công nghiệp tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Đây là dấu hiệu đặc biệt khả quan cho hoạt động sản xuất công nghiệp nói chung và hơn nữa là “tín hiệu đáng mừng” đối với bất động sản công nghiệp nói riêng. Nguyên nhân là do Việt Nam đã thay đổi chiến lược chống dịch, chấp nhận sống chung với dịch Covid – 19 thay vì chiến lược “Zero Covid” để đưa đất nước về giai đoạn “bình thường mới”, dần dần hồi phục các hoạt động sản xuất kinh tế.
Tổng quan tình hình phát triển khu công nghiệp trong năm vừa qua
Theo thống kê của bộ Kế hoạch và đầu tư, trong 9 tháng đầu năm 2021, đã có 41 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp mới/mở rộng/điều chỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích khoảng 7.670 ha. Theo đó, tính đến cuối tháng 9/2021, trên phạm vi cả nước có 563 khu công nghiệp nằm trong Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam (tính cả khu công nghiệp trong khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu) với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 210,9 nghìn ha, chiếm khoảng 0,6% tổng diện tích đất tự nhiên của cả nước và 4,1% tổng diện tích đất phi nông nghiệp trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2016 – 2020.
Trong 563 khu công nghiệp đã được quy hoạch phát triển, đã có 397 khu công nghiệp đã được thành lập (bao gồm 352 khu công nghiệp nằm ngoài các khu kinh tế, 37 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế ven biển, 08 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế cửa khẩu) với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 122,9 nghìn ha. Trong đó, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 82,6 nghìn ha, chiếm khoảng 67,2% diện tích đất tự nhiên.
Trong 397 khu công nghiệp đã được thành lập, có 291 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 87,1 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 58,7 nghìn ha và 106 khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 35,7 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 23,8 nghìn ha.
Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các khu công nghiệp đạt khoảng 43,3 nghìn ha. Như vậy, trong 9 tháng đầu năm 2021 các khu công nghiệp thuê trên cả nước đã cho thuê thêm khoảng 520 ha so với cuối năm 2020.
Tính đến cuối tháng 9/2021, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đã thành lập trên cả nước đạt khoảng 52,5%. Nếu tính riêng các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động thì tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 70,9%, xấp xỉ so với cuối năm 2020.
Như vậy, mặc dù bất chấp tình hình phát triển bất động sản công nghiệp đã có nhiều chuyển biến so với năm 2020, và có lẽ sẽ còn tăng trưởng thêm nữa trong năm 2022 sắp tới.
Cảm ơn các bạn đã quan tâm!